Tệ hơn cả vô dụng, một Hệ thống giám sát tài chính

February 11, 2018

Andreas Antonopoulos là một lập trình viên và diễn giả nổi tiếng về Bitcoin và những ảnh hưởng của nó lên xã hội loài người. Một trong những bài nói của ông mà tôi thấy hay nhất có tiêu đề: “Tệ hơn cả vô dụng: Hệ thống giám sát tài chính”. Trong bài nói này ông đã chỉ ra sự giả tạo của hệ thống ngân hàng, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ẩn danh và lý giải tại sao Bitcoin có thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn, hay ít ra là không làm cho nó tệ hơn như những gì hệ thống giám sát tài chính đang làm.

Dưới đây tôi xin dịch lại bài nói chuyện của Andreas với mong muốn những kiến thức và ý tưởng của ông có thể tiếp cận được với càng nhiều người càng tốt, đặc biệt là cộng đồng những người trẻ Việt Nam như tôi. Tôi cũng đã nộp bản dịch phụ đề Tiếng Việt cho video trên Youtube nhưng không biết khi nào được duyệt. Nếu ai muốn thì có thể xem trực tiếp video bài nói chuyện của Andreas tại đây. Tuy nhiên bản dịch dưới đã được tôi sửa format và câu văn cho tự nhiên hơn so với bản dịch phụ đề thô (sẽ có) trên Youtube.

Video

Tệ hơn cả vô dụng: Hệ thống giám sát tài chính

“Trước hết, không được gây hại.” Ai đã nói thế? Hippocrates? Thực ra thì không phải ông nói. Lời tuyên thệ của Hippocrates, một trong những trụ cột chính của nền y học hiện đại, bắt đầu với câu “Đầu tiên, không được gây hại.” Nó nói lên nguyên tắc về đơn giản hóa (minimization), nguyên tắc về sự hữu dụng (utility). Triết lý về sự hữu dụng này nói rằng trước khi bạn cố gắng sửa chữa thứ gì, hãy đảm bảo bạn không làm cho nó tồi tệ hơn. Trớ trêu thay, Hippocrates -cha đẻ của ngành y dược- không nói điều này. Nó không phải là một phần của lời tuyên thệ Hippocrates hay một phần của những ghi chép của Hippocrates. Nó đã được bổ sung vào sau khi ngành khoa học hiện đại vào giữa thế kỷ 19 được giới thiệu. “Đầu tiên, không được gây hại.” Bởi vì có một thứ không chỉ vô dụng, nó còn tệ hơn cả vô dụng. Thực tế nó còn gây hại nữa. Và đó cũng là tiêu đề của bài nói hôm nay của tôi: “Tệ hơn cả sự vô dụng.”

Hippocrates thực ra là một người rất ủng hộ việc chích máu. Chích máu là một tập tục bắt nguồn ở khu vực Địa Trung Hải cổ đại, liên quan đến việc cân bằng độ ẩm trong cơ thể bằng cách từ từ chích máu người ra ngoài. Ý tưởng chính đằng sau nó là các chất lỏng khác nhau trong cơ thể cần được cân bằng - giống như kiểu một hệ thủy động lực học vậy. Trước khi khoa học hiện đại bắt đầu suy nghĩ về cơ thể chúng ta như một chiếc cỗ máy đồng hồ (mechanical clockwork), đó cái cách hình dung về khoa học ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20.

Người xưa nhìn “khoa học” như một vấn đề về bản chất, về khí chất. Đất, lửa, nước, khí. Một phần của ý tưởng chích máu là, nếu những yếu tố trên không cân bằng, bạn cần chích ra một ít máu để đưa mọi thứ về lại trạng thái cân bằng. Tập tục này tiếp tục được thực hành qua tận tới thế kỷ 19. Một điều khá thú vị về nó đó là một nạn nhân nổi tiếng nhất của tục chích máu này lại là một trong các Tổ sư lập quốc của Hoa Kỳ: George Washington.

Cuối cuộc đời, George Washington một ngày tỉnh dậy với cơn đau họng. Ông ấy cũng là một người hâm mộ lớn trong việc coi tập tục chích máu như là một kinh ngiệm y học. Ông đã mời các bác sĩ / tên đồ tể của mình thực hiện tục chích máu tinh tế này. Trong bốn ngày tiếp theo, họ đã chích ra khỏi người ông khoảng bảy pints (người dịch: 3.3 lít) máu. Hồ sơ lịch sử ghi là: “Mặc dù đã được điều trị, ông đã mất bốn ngày sau đó.” Ngày nay chúng ta lại nói rằng “bởi vì đã bị điều trị như vậy, ông đã mất bốn ngày sau đó.” Thật là mỉa mai rằng tập tục này vẫn tồn tại trong 2.500 năm.

Tại sao việc nhớ lấy ý niệm “không được làm hại” này lại rất quan trọng? Bởi vì nếu bạn không làm theo những phương pháp khoa học, nhiều thói quen phổ biến mà chúng ta áp dụng ngày nay không dựa trên khoa học, mà dựa trên mê tín, giai thoại, ước nguyện, và ý niệm về đạo đức công chính (righteous morality). Một trong số đó là hệ thống giám sát tài chính và hệ thống các quy tắc KYC / AML. (Know your customer: Biết khách hàng là ai / Anti Money Laundering: Chống rửa tiền).

Hệ thống ngân hàng hiện đại được đưa vào hoạt động theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng năm 1970, được hình thành mà không dựa trên bất kì cơ sở khoa học. Nó dựa trên sự suy nghĩ đạo đức công chính rằng “người xấu” không nên có quyền tiếp cận tiền và miễn là chúng ta tin tưởng vào những người có thẩm quyền nói cho chúng ta biết những người xấu đó là ai (và giả định rằng họ không phải là những người xấu), thì rồi mọi thứ sẽ đâu ra đó thôi.

Nếu bạn chỉ trích ý tưởng này, người ta sẽ không chứng minh hoặc thuyết phục bạn bằng sự thật, dữ liệu dựa trên khoa học. Bạn sẽ bị cáo buộc là không có đủ đạo đức công chính để hiểu rằng chúng ta phải (trong hàng đống lý do) “bảo vệ trẻ em.”

Vì những tên tội phạm thì nó ở ngoài đó. Có những người xấu xa, và nếu những người xấu đó có thể sử dụng tiền họ có thể dùng nó để làm những điều xấu. Rất khó để truy tố những điều xấu nhưng lại rất dễ dàng để truy tố tiền. Và thế là chúng ta truy tố tiền. Rồi cách đó có hoạt động không?

Không.

Nhưng nếu hành động đó vô dụng, vậy thì đã tốt quá rồi. Đằng này nó không vô dụng, nó còn tệ hơn cả vô dụng. Trên thực tế, nó có hại rất lớn.

Một phần của lý do hàng tỷ người trên khắp thế giới không được tham gia vào nền kinh tế thế giới, bị khai trừ về mặt tài chính, có liên quan trực tiếp đến hệ thống tài chính khép kín này - nơi mà thẩm quyền được trao cho một số ít để quyết định xem ai là “tốt” và ai là “xấu”, để quyết định xem ai được quyền tiếp cận với tiền và những ai không được.

Nó bắt đầu bằng ý tưởng cơ bản rằng nhân dạng là một yêu cầu bắt buộc cho mỗi điểm đầu mút trong mọi giao dịch. Nó là một hệ thống sẽ luôn luôn khai trừ hàng tỷ người. Trong thời đại Internet, chúng ta không tiến thêm được một bước nào trong việc mang thêm nhiều người vào hệ thống tài chính. Trên thực tế, chúng ta còn đang đi ngược. Nguyên cả một quốc gia hay toàn bộ lục địa bị tách kết nối khỏi nền kinh tế thế giới để thỏa mãn cái tư tưởng đạo đức giai cấp tư sản rằng chúng ta an toàn hơn nếu chúng ta cho phép quan chức quyết định xem ai có quyền tiếp cận tới tiền và ai thì không.

Hoạt động rửa tiền đã và đang diễn ra. Rửa tiền xảy ra mỗi ngày. Nhưng có một số người có thể rửa tiền mà không lo về hậu quả. Trong thế giới hiện đại của chúng ta, có một thứ tương tự như giấy phép rửa tiền: nó được gọi là giấy phép ngân hàng. Miễn là bạn có trong tay một trong những tờ giấy phép thuật này, bạn có thể rửa tiền cả ngày.

Ai đang rửa tiền?

Tất nhiên theo lẽ thường và điều mà ai cũng biết thì đó chính là các ngân hàng. Họ có tiền, họ rửa tiền.

Chắc chắn.

Nếu bạn nhìn vào số liệu thống kê, nếu bạn nhìn vào dữ liệu, điều này sẽ hiện ra trước mặt bạn, lặp đi lặp lại.

Các ngân hàng rửa tiền! Trong thực tế, đó là hoạt động chính của họ. Họ rửa tiền cho các chính phủ, các cơ quan tình báo và tài trợ khủng bố. Họ rửa tiền cho đám buôn ma túy. Một trong những ví dụ nực cười trong thế giới hiện đại ngày nay đó là một ngân hàng tại gần phía bắc Mexico đã sửa cái cửa ở quầy giao dịch của họ, để họ có thể đút lọt khít một cái vali Samsonite (loại vali ưa thích của những tay rửa tiền buôn ma túy) để họ có thể đút vali tiền mặt qua quầy một cách thuận tiện. Họ sẽ chẳng cần phải mở vali ra luôn. Đương nhiên, trong những ngày đó các tập đoàn ma túy lớn kiếm được rất nhiều tiền (và họ vẫn vậy) nên họ không đếm tiền - họ cân tiền. Vậy nhanh hơn. Ai có thời gian để đếm một chiếc xe tải đầy tiền, nếu bạn có thể tính đơn giản trọng lượng tịnh sang USD?

Rửa tiền là điều mà các ngân hàng làm thường xuyên theo lịch. Mỗi lần họ bị bắt, họ phải trả một khoản tiền phạt, không ai vào tù, và ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động. Như vậy tức là đó là một phần thiết yếu trong công việc làm ăn của họ; nó được cỗ vũ và tiếp thêm động lực với một loạt những lợi ích để đảm bảo rằng bằng cách chơi theo các quy định phờ phĩnh của chính phủ, họ bắt buộc phải đưa sự cạnh tranh ra khỏi cuộc chơi.

Một trong những lý do khiến không ai có thể cạnh tranh với ngân hàng truyền thống bằng cách sử dụng công nghệ là bởi vì luật và các quy định đảm bảo không ai sẽ không được trao cơ hội đó. Bạn phải xin phép trước và câu trả lời nhận được luôn là “không” trừ khi bạn có thể mua được giấy phép ngân hàng, cái giấy phép rửa tiền và tiền phạt đi kèm với nó như là một phần của công việc kinh doanh. Tất nhiên các ngân hàng có thể chi trả cho nó, bởi vì có một điều mà các ngân hàng làm tốt và kiếm được rất nhiều tiền.

Tệ hơn cả vô dụng.

Cái nền tảng của mô hình tài chính hiện đại ngày nay là một ý tưởng mà đáng ra vì quá kinh tởm mà nó sẽ trở thành chủ đề nói chuyện của mỗi con người yêu tự do. Chúng ta thảo luận về những điều được phát hiện ra từ Snowden, những phát hiện về chương trình giám sát trên diện rộng của tất cả các mạng xã hội trên internet; thế nhưng cái lù lù ra đấy ai cũng biết nhưng không nói tới, rằng hình thức giám sát phổ biến nhất và xâm lấn nhất đang tồn tại là mạng lưới quốc tế của các chế độ giám sát tài chính chuyên chế.

Mỗi lần bạn sử dụng thẻ ghi nợ, một khoản tín dụng tài khoản ngân hàng, mỗi giao dịch được lén lút chuyền tay tới mọi trung tâm tình báo và mọi chính phủ có quyền truy cập vào mạng lưới này. Khi mọi người chỉ trích Bitcoin, họ nói nó sẽ “cho phép Dark net hoạt động được”.

Vậy Dark net là gì? Có vẽ như rằng dark net vô hình với hầu hết chúng ta, hoạt động trên hoặc song song với hệ thống internet, và ở đó một lượng lớn hành vi bất hợp pháp đang diễn ra. Nếu đúng như vậy, tên của dark net này là ECHELON, PRISM, X-KEYSCORE. (những chương trình do thám bí mật cấp quốc gia). Đó là tên của dark net.

“Dark net” được vận hành bởi các cơ quan tình báo theo lịch trình hàng ngày và chúng phạm một tội ác lớn khủng khiếp với loài người. Họ đang điều phối một mạng lưới giám sát tài chính toàn trị, giám sát những giao dịch và (dẫn tới kết quả) là vị trí, sở thích mua sắm, xu hướng chính trị, và thể loại khiêu dâm ưa thích của bạn và tất cả mọi người. Tất cả những điều đó gắn liền với cuộc sống tài chính của bạn, bởi vì tất cả mọi thứ đều gắn liền với cuộc sống tài chính của bạn. Hệ thống giám sát tài chính toàn trị này là “dark net”.

Họ không sợ dark net, họ chỉ không muốn chúng ta có một cái như thế.

Tồi tệ hơn cả vô dụng, bởi vì hệ thống này đảm bảo rằng 2,5 tỷ người sống trên thế giới mà hoàn toàn không có khả năng tiếp cận tới các dịch vụ tài chính; 4 tỷ người nếu bạn tính cả gia đình họ và khả năng tiếp cạn tối thiểu tới những dịch vụ tài chính cơ bản nhất. Nếu bạn đếm cả những chức năng ngân hàng mà một người phương Tây có, vậy thì 6 tỷ người có truy cập bị hạn chế hơn thế nhiều. Đây là tất cả những gì về hệ thống này.

Điều này là vì khoảng 6 tỷ người khác. Tại sao Bitcoin lại quan trọng? Bởi vì Bitcoin cho phép chúng ta xây dựng một hệ thống nơi mà chúng ta lật ngược lại sự cân bằng trước đây giữa bí mật (secrecy) và sự riêng tư (privacy). Bảo mật / sự riêng tư là những gì tôi có, không phải vì ai đó mang nó cho tôi mà vì tôi giành lấy nó. Không phải vì nó được ban cho tôi giống như một đặc ân, mà là vì nó là quyền của tôi, quyền của một con người. Tôi đã có nó từ khi sinh ra, tôi sẽ có nó mãi mãi.

Điều đó ngay lập tức bị nghi ngờ. Chính phủ vốn là tổ chức để phục vụ cử tri, những người đi bỏ phiếu, và hoạt động dưới sự đồng ý của các tổ chức, thế nhưng sự bí mật lại cho nó khả năng bỏ qua sự kiểm soát dân chủ, việc kiểm toán, và trách nhiệm giải trình để họ có thể đưa hàng tỷ đô la vào các dự án đen tài trợ khủng bố, mà từ đó tài trợ những tên trùm ma túy.

Cái gì tài trợ ISIS? Tiền thuế của chúng ta. Đó là sự thật khó nghe. Không phải Bitcoin, mà là đồng đô la, rúp và nhân dân tệ. Rửa tiền là hoạt động của chính phủ được hỗ trợ bởi các ngân hàng. Tài trợ khủng bố là hoạt động của chính phủ được hỗ trợ bởi các ngân hàng.

Đến thế mà họ còn có lòng dũng cảm để tuyên bố rằng cái ý tưởng mà mọi người nên được tự do giao dịch, tham gia vào một nền kinh tế toàn cầu, và thi hành quyền riêng tư đã có từ khi sinh ra, sẽ làm cho thế giới này rơi vào hỗn loạn, vô trật tự, vô chính phủ.

Điều gì sẽ xảy ra khi mọi người có thể giao dịch ẩn danh? Chẳng có gì xảy ra.

Trong hàng ngàn năm, người ta đã giao dịch ẩn danh. Mạng lưới giao dịch ngang hàng lớn nhất, được thành lập lâu nhất, riêng tư nhất, và mạng lưới đó được gọi là “tiền mặt”. Chúng ta đã có nó trong hàng ngàn năm. Sau đó đột nhiên, vào những năm 70, chúng ta quyết định như thế là nguy hiểm.

Thay vào đó, chúng ta cần phải chuyển sang một thế giới của chế độ giám sát tài chính chuyên chế / toàn trị. Đấy là bản chất của nó. Nó bao quanh tất cả, nó toàn năng, nó bao gồm toàn bộ bí mật.

Đó là ý nghĩa của từ “totalitarian” (toàn trị / chuyên chế). Đó là chủ nghĩa phát xít.

Tuy nhiên bằng cách nào đó chúng ta đã bị thuyết phục rằng “vì lợi ích của trẻ em”, chúng ta phải hoạt động trong một thế giới nơi mọi giao dịch của chúng ta đều có thể nhìn thấy được, nhưng mỗi một giao dịch của họ lại riêng tư.

Bây giờ tôi nói chúng ta phải lật ngược thế cờ đó lại và chúng ta phải làm điều đó nhanh. Lý do khiến thế giới đang trong tình trạng hỗn loạn một phần là bởi vì điều đó. Bạn có muốn ươm mầm chủ nghĩa khủng bố? Cắt bỏ mọi người khỏi nền kinh tế thế giới, bẫy họ trong cái nghèo, xóa bỏ công lý và rồi những gì xảy ra tiếp theo là chiến tranh. Martin Luther King Jr. nói: “Hòa bình không phải là sự thiếu chiến tranh, mà là sự hiện diện của công bằng.”

Tư pháp bắt đầu với sự đòi hỏi của quyền lợi con người.

Những gì chúng ta đang làm với Bitcoin không chỉ là chơi đùa với tiền, làm giàu, cố gắng tạo ra một cái ICO hoặc những con cá voi (nd “whale: chỉ người có rất nhiều một loại tài sản nào đó”) kế tiếp, các nhóm siêu nhỏ những người giàu khác sẽ thay thế và tiếp tục cai trị tất cả những người khác. Ít nhất thì đó không phải là điều tôi quan tâm.

Tôi quan tâm đến việc tạo ra hòa bình thông qua công lý; công lý bắt đầu với khả năng giao dịch một cách tự do của mỗi con người trên hành tinh này, với sự riêng tư, với bất cứ ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào.

Không thể kiểm duyệt, không thể ngăn chặn, hoàn toàn ẩn danh.

Có những người ngay bây giờ đang nghiên cứu lớp tiếp theo của Bitcoin, bao gồm zero-knowlege range proof để tạo ra những giao dịch bí mật. CoinJoins trên quy mô lớn, các kênh thanh toán qua giao thức TOR ẩn danh, không thể truy xét và không thể ngăn cản được.

Mọi người hỏi tôi: “Bạn nghĩ vấn đề lớn nhất với Bitcoin là gì?

Không, đó là chúng ta không có đủ sự ẩn danh. Chúng ta không có đủ sự riêng tư. Chúng ta nên khắc phục vấn đề đó trước khi tiền mã hóa trở nên quá phổ biến. Việc tiếp nhận một nền tảng mà không có đủ sự riêng tư là cực kỳ nguy hiểm. Nếu bạn là người duy nhất thực hiện những giao dịch nặc danh, bạn không hề nặc danh.

Những gì chúng ta cần là phổ biến sự riêng tư. Đây không nên là một lựa chọn mà tôi phải bấm chọn trong ví Samourai của tôi nói rằng ‘Sử dụng Tor’. Nó nên được mặc định trên tất cả các ví, tất cả mọi lúc. Không nên có bất cứ giao dịch nào mà không bí mật.

Đây là điều thú vị: nếu bạn hỏi các ngân hàng rằng họ có muốn có các giao dịch nặc danh không, họ sẽ trả lời rằng đương nhiên là muốn! “Công nghệ sổ cái phân tán” (Distributed ledger) đang được xây dựng với sự ẩn danh. Họ đang sử dụng Zero-Knowledge Range Proof, bộ trộn lẫn để tạo ra các giao dịch bí mật. Họ đang cố gắng xây dựng hệ thống thanh toán bí mật và ẩn danh. Tại sao? Bởi vì họ không thể tin tưởng vào đứa chó đẻ khốn nạn ở phía đối diện cái bàn của họ, những người đang điều hành các ngân hàng đối thủ. Nếu họ biết những gì đang xảy ra trên hệ thống đối thủ, họ sẽ chạy trước trong mỗi giao dịch của bạn, Pump và dump (nd: bơm giá lên cao và bán nhanh) tất cả các loại tài sản. Tại sao? Bởi vì đó là những gì họ làm mỗi ngày. Tất nhiên, vì họ không thể tin tưởng lẫn nhau, họ hiểu được nhu cầu cho sự riêng tư. Họ sẽ xây dựng blockchains riêng của họ, mạng lưới thanh toán và bù trừ của họ và họ sẽ đảm bảo chắc chắn rằng họ có sự bảo mật, riêng tư, ẩn danh, và khả năng chối từ. Họ sẽ đảm bảo rằng họ có tất cả những điều đó để họ có thể tiếp tục kinh doanh như thường lệ.

Họ sẽ đạt được độ bí mật của họ.

Câu hỏi bây giờ là:

Cảm ơn.

A.Antonopoulos

Tệ hơn cả vô dụng, một Hệ thống giám sát tài chính - February 11, 2018 - Phúc H. Lê Khắc